Rút ngắn thời gian thụ tinh ống nghiệm, có con sau 8 năm vô sinh

08/01/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Hiếm Muộn Sức Khỏe Vô Sinh Hiếm Muộn
Rút ngắn thời gian thụ tinh ống nghiệm, có con sau 8 năm vô sinh

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi điều trị thành công trong vỏn vẹn hơn một tháng cho một ca bệnh khó, vô sinh lâu năm, vợ chồng đều lớn tuổi", bác sĩ Lê Xuân Nguyên, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) nói hôm 20/11.

Quá trình điều trị vô sinh, thụ tinh ống nghiệm (IVF) trải qua nhiều bước phức tạp. Một chu kỳ IVF thuận lợi thường kéo dài khoảng 4-5 tháng. Trường hợp trên 40 tuổi, dự trữ buồng trứng suy nặng như chị Thảo, tỷ lệ IVF thành công rất thấp. Bệnh nhân cần gom trứng hoặc gom phôi tích lũy nhiều chu kỳ nên thường thời gian điều trị kéo dài, có thể mất cả năm.

Chị Thảo may mắn, chỉ trong hơn một tháng đã thành công mang thai, đến nay bầu 29 tuần khỏe mạnh. "Thời gian điều trị ngắn ngủi nhưng kết quả nằm ngoài tưởng tượng", chị Thảo chia sẻ trong cuộc gọi từ Mỹ về Việt Nam trao đổi sức khỏe thai kỳ với bác sĩ Nguyên.

Bác sĩ Lê Xuân Nguyên tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh. Ảnh minh họa: Hoài Thương

Vợ chồng chị Thảo và anh David, 49 tuổi, kết hôn 8 năm không có con. Bác sĩ một bệnh viện ở TP HCM chẩn đoán chị vô sinh do lớn tuổi, tiền mãn kinh, dự trữ buồng trứng cạn kiệt. Anh David xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng do bất sản ống dẫn tinh, một dạng bất thường bẩm sinh ở hệ sinh dục. Họ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng không tạo được phôi do chất lượng noãn và tinh trùng đều kém. Bác sĩ khuyên xin trứng của người khác để sinh con, song vợ chồng chị Thảo muốn có con của chính mình.

Tháng 4, trong chuyến công tác ở Việt Nam, vợ chồng chị đến IVF Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ Nguyên cho hay xét nghiệm dự trữ buồng trứng (AMH) của chị Thảo chỉ còn 0.5 ng/ml - mức rất thấp. Chị còn mắc đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng nguy hiểm với mẹ lẫn thai nhi.

"Người bệnh mắc nhiều tình trạng phức tạp nhưng chỉ có một tháng rưỡi ở Việt Nam nên bác sĩ phải 'chạy đua' với thời gian để điều trị", bác sĩ Nguyên cho hay.

Bác sĩ Nguyên hội chẩn cùng bác sĩ khoa Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, điều trị đái tháo đường song song điều trị hiếm muộn. Chị Thảo được kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ, siêu âm theo dõi nang trứng thường xuyên để cân chỉnh liều lượng thuốc phù hợp, đảm bảo trứng phát triển tốt. Bác sĩ Nguyên cũng "nuôi" niêm mạc tử cung đủ điều kiện để sẵn sàng chuyển phôi tươi.

Hệ thống tủ nuôi cấy phôi trang bị camera quan sát liên tục tích hợp AI tại IVF Tâm Anh. Ảnh: Phương Trinh

Sau 12 ngày, chị Thảo có được 8 trứng, trong đó 4 trứng non được tiếp tục nuôi trong môi trường ống nghiệm (môi trường IVM) đến giai đoạn trưởng thành. Tổng cộng 6 trứng trưởng thành nhưng có một số khiếm khuyết về hình ảnh, móp méo. Cùng ngày, chồng chị được bác sĩ chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA), hầu hết tinh trùng thu được bất thường về hình thái như đầu nhỏ, có bào tương ở cổ, đuôi cụt...

Chuyên viên phôi học chọn tinh trùng khỏe mạnh, tiêm vào bào tương trứng để tăng tỷ lệ thụ tinh, thu được hai phôi nuôi cấy theo dõi trong điều kiện an toàn đến ngày 5. Phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) chấm điểm hai phôi thuộc loại 3 (mức trung bình trong thang xếp hạng 1-4), song phần nhân phôi phát triển tốt. Chị Thảo được bác sĩ Nguyên chuyển hai phôi này vào buồng tử cung, hai tuần sau xét nghiệm đậu một thai. Chị được bác sĩ kê đơn gồm các hormone và thuốc dưỡng thai, vài ngày sau trở lại Mỹ đúng lịch dự kiến.

"Chiến lược điều trị phù hợp, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại là những yếu tố quan trọng giúp vợ chồng người bệnh có con với lần chuyển phôi duy nhất", bác sĩ Nguyên nói.

Tại Mỹ, chị Thảo trải qua thai kỳ đến nay an toàn, mỗi mốc khám thai 7 tuần, 9 tuần, 12 tuần đều thông báo đến bác sĩ Nguyên để tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Tình trạng đái tháo đường thai kỳ được kiểm soát tốt nên không gây biến chứng tăng huyết áp. Thai không phát triển thừa cân hay thiếu cân, không mang các dị tật bẩm sinh...

Dự kiến chị Thảo sinh con vào cuối tháng 1/2025. "Khi con chào đời và cứng cáp, tôi sẽ đưa về nước hội ngộ bác sĩ", chị Thảo nói.

Chuyên viên phôi học IVF Tâm Anh quan sát sự phát triển toàn diện của phôi thai qua màn hình. Ảnh: Hoài Thương

Bác sĩ Nguyên cho biết tỷ lệ IVF thành công suy giảm theo độ tuổi và dự trữ buồng trứng của phụ nữ. Bệnh nhân chỉ số AMH càng thấp, tuổi càng cao thì tỷ lệ thành công càng giảm. Lúc này, bệnh nhân có thể được chỉ định xin trứng để sinh con, tức đứa trẻ không cùng huyết thống với mẹ.

Tại IVF Tâm Anh, nhiều trường hợp AMH thấp, lớn tuổi đã thành công sinh con. Tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công trung bình hơn 71%, ở người trên 40 tuổi là 44,1%.

Hoài Thương

*Tên người bệnh đã được thay đổi

19h ngày 20/11, chương trình tư vấn trực tuyến về chủ đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật hiện đại điều trị vô sinh hiếm muộn" sẽ được phát trên fanpage VnExpress và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia gồm BS Phùng Huy Tuân, chuyên gia Hỗ trợ sinh sản, Trung tâm IVF Tâm Anh Quận 8; ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm IVF Tâm Anh TP HCM; ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Trung tâm IVF Tâm Anh Quận 8; ThS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng lab, Trung tâm IVF Tâm Anh TP HCM. Bạn đọc đặt câu hỏi tại đây.

Tin liên quan
Tin Nổi bật